Do chứa hàm lượng chất hữu cơ cao nên bã thải sắn thường được sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Tuy nhiên, nếu bón trực tiếp thì không mang lại hiệu quả cao, lại gây mùi hôi khó chịu nên một số nghiên cứu hiện đang tìm cách tái chế nguồn bã thải sau chế biến tinh bột sắn thành phân bón hữu cơ bằng cách sử dụng vi sinh vật.
Nhóm tác giả Lương Hữu Thành (Viện Môi trường Nông nghiệp) và Nguyễn Kiều Bằng Tâm (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cũng đi theo hướng nghiên cứu này.
Hai tác giả đã sử dụng chế phẩm vi sinh vật do Bộ môn Vi sinh Môi trường, Viện Môi trường Nông nghiệp cung cấp (thành phần chính gồm xạ khuẩn, nấm men, vi khuẩn với hoạt tính phân giải xenlulozơ, tinh bột và phân giải phốt phát khó tan), sau đó cho ủ cùng bã thải sắn theo phương pháp ủ compost có bổ sung thêm các nguyên liệu phụ như rỉ mật, ure, kali, super lân, vôi bột.
Kết quả cho thấy, sau 45 ngày ủ, bã thải có màu nâu, tơi xốp, không có mùi; độ pH trung bình; hàm lượng chất hữu cơ giảm xuống hơn 50% và không phát hiện thấy có các vi sinh vật gây bệnh. Đặc biệt, kiểm tra độ hoai, tính an toàn đối với cây trồng của sản phẩm thì thấy bã thải đã hoai và đảm bảo an toàn đối với cây trồng – Tạp chí Khoa học Đất số 36/2011 cho biết.
Trên thực tế, phương pháp sản xuất phân vi sinh từ chất thải sản xuất tinh bột sắn cũng đã được một số đơn vị áp dụng khá thành công, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa giúp hạn chế ô nhiễm môi trường.