Gà, vịt là món ăn ưa thích của nhiều người và không thể thiếu trong dịp tiệc tùng, cưới hỏi. Việc dùng hóa chất nhổ lông gia cầm 10 phút 3 con, sạch cả lông măng khiến “công nghệ” nước sôi, máy vặt lông gà, nhíp nhổ bị đánh bật. Nhưng… có độc hại gì khi dùng những hóa chất này?
Nhiều nơi dùng chất “tẩy lông” gia cầm
Theo cách này, gia cầm sau khi cắt tiết được nhúng nhanh vào nồi nước pha hóa chất rồi mới nhúng sang thùng nước lã. Lớp hóa chất làm lông của gia cầm đông cứng lại ngay, chỉ cần túm lớp mảng đen phủ ngoài là sạch bong, không bị rách, trầy da và đẹp mắt hơn so với cách nhổ lông thủ công, hay nhổ máy.
Nhựa thông khó ngấm vào thịt gia cầm
Hầu hết người hành nghề cho rằng, nhựa thông làm lông gia cầm chỉ ở khâu sơ chế chứ không phải chế biến. Sau khi làm sạch lông, gia cầm được rửa lại bằng nước sạch sẽ trôi hết hóa chất, nếu có dính chút nào thì khi nấu ở nhiệt độ cao độc hại cũng hết.
Nhận định về việc này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Sinh học và Công nghệ thực phẩm) cho biết, nhựa thông có tính chất kết dính làm các mảng lông kết lại, chỉ cần tuốt một lượt là sạch, tiết kiệm thời gian công sức cho con người. Nhưng ông Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, riêng sáp màu vàng nhạt trộn cùng với nhựa thông có thành phần chính là paraphin, khi ăn vào sẽ không tiêu hóa được. Còn với nhựa thông khó có thể ngấm vào thịt gia cầm và chưa có căn cứ nào cho thấy nhựa thông có thể ngấm vào thịt gia cầm trong quá trình làm lông… “Nhựa thông cũng là loại gel khó hòa tan trong nước, vì thế cũng không thể thấm qua da gia cầm, bởi muốn ngấm qua được lớp da của gia cầm cần có những tác động vật lý, hóa học khác và thời gian cần dài. Nguyên do là các tế bào biểu bì ở người và động vật cấu tạo phức tạp và không phải hoạt chất nào cũng dễ thẩm thấu qua da. Nếu chỉ nhúng gia cầm qua nồi sáp – nhựa thông thì độc chất khó có thể ngấm qua da vào thịt gia cầm với thời gian ngắn.
Người làm cũng chỉ trụng sơ rồi vớt ra rửa nước sạch thì nhựa thông sẽ không tích tụ trên da của gia cầm. Nếu có quá tay ngâm gà, vịt trong nước nhựa thông nóng, lớp da của gia cầm sẽ bị tuột theo lông đi, không đẹp mắt. Ngoài ra, nếu thịt gia cầm mà ngấm nhựa thông thì sẽ không thể ăn được vì thịt rất đắng”, TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Cũng theo TS Nguyễn Duy Thịnh, ông từng cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc người vặt lông gia cầm bằng sáp và nhựa thông sẽ làm hại chính mình. Theo đó, khi đun sôi nhựa thông sẽ sinh ra khí amoniac (NH3) mùi khai, rất độc vì có thể gây kích thích niêm mạc, mắt, dạ dày, gây co thắt cơ quan hô hấp, làm bỏng da… Sở dĩ nói người giết mổ gia cầm có nguy cơ làm hại chính mình vì họ thường xuyên hít phải khí độc khi khí thoát ra ngoài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chính họ, còn làm ô nhiễm môi trường vì khí thải của lò đốt tại các cơ sở phát sinh nhiều mùi hôi khó chịu cho những người ở quanh đó.