Là cá thể duy nhất còn lại trên Trái Đất từ thời khủng long, cây tuế ở Vườn thực vật Durban tại Nam Phi được mệnh danh là loài cây cô đơn nhất thế giới.
Theo Mother Nature Network, cây tuế thuộc giống đực ở Vườn thực vật Durban được nhân bản từ loài cây hiếm nhất và đơn độc nhất trên thế giới dựa trên một mẫu vật phát hiện năm 1895 và không có cây cái nào khác còn tồn tại để sinh sản.
Cây tuế có tên khoa học Encephalartos woodii này là loài thực vật cổ đại, từng phát triển với số lượng đông đảo nhất trên Trái Đất. Những cánh rừng tuế từng bao phủ địa cầu, cung cấp thức ăn và bóng râm cho khủng long. Dù trông giống cây cọ hoặc cây dương xỉ lớn, cây tuế chỉ là họ hàng xa của chúng.
Không chỉ trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng, cây tuế còn phải cạnh tranh với những họ cây hiện đại. Mẫu vật cây tuế E. woodii tìm thấy năm 1895 là chứng tích duy nhất còn sót lại của loài cây này.
Vấn đề chính khiến E. woodii gần tuyệt chủng là do nó thuộc nhóm thực vật khác gốc và cần cây khác giới để sinh sản. Nhiều loài gồm cả phần đực và cái trên cùng một thân, nhưng E. woodii thì khác. Mẫu vật năm 1895 là cây đực. Dù các nhà khoa học và thám hiểm nỗ lực hết sức, họ không thể tìm thấy cây cái tương ứng.
Dù loài cây không thể sinh sản nếu không có cá thể ghép đôi, nó vẫn có khả năng nhân bản. Một số mẫu nhân bản từ cây E. woodii gốc đang phát triển xanh tốt ở các vườn thực vật trên khắp thế giới. Chúng có những quả hình nón lớn rực rỡ và mang đầy phấn hoa, nhưng không cho hạt giống.
“Rõ ràng đây là loài thực vật cô độc nhất thế giới. Nó già đi một mình và phải chịu số phận không có cây con. Không ai biết nó sẽ còn sống bao lâu nữa”, nhà sinh vật học Richard Fortey cho biết.