TIN MỚI
Trang chủ / Nông Dân Chia Sẻ / Tìm hiểu về món tiết canh và những tác hại khi ăn tiết canh

Tìm hiểu về món tiết canh và những tác hại khi ăn tiết canh

Tiết canh vẫn được coi là món ngon ưa thích của nhiều người, đây là món ăn tươi sống, sử dụng nguyên liệu là máu động vật tươi. Tuy nhiên nếu con vật đó nhiễm bệnh thì tác hại của tiết canh là không thể lường trước được thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Nguy cơ nhiễm khuẩn lớn khi ăn tiết canh

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, hiện nay người dân không chỉ ăn tiết canh những loại động vật, gia cầm phổ biến như lợn, vịt, dê mà còn lan sang cả động vật hoang dã như trũi, nhím, dơi…

“Nhiều người có quan điểm ăn tiết canh có giá trị dinh dưỡng cao và có thể chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế tiết canh không có nhiều dinh dưỡng như nhiều người tưởng, thậm chí rất nguy hại”, PGS.TS Thịnh khẳng định.

Thứ nhất, ăn tiết canh bản chất là ăn máu sống cùng với các loại thịt, xương nên hoàn toàn không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng có trong con vật.

“Tiết canh mang rất nhiều mầm bệnh, nhất là máu của các con lợn, gà, vịt… đang bị nhiễm bệnh. Ví dụ, nếu ăn phải tiết canh của lợn đang mắc bệnh thì nguồn máu của nó sẽ chứa vi trùng, vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, người dùng tiết canh từ con vật này sẽ có nguy cơ nhiễm các bệnh như liên cầu lợn, nhiễm giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, trường hợp nặng có thể gây tử vong”, ông Thịnh nói thêm.

tim hieu ve mon tiet canh va nhung tac hai khi tiet canh
Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên dừng ngay thói quen ăn tiết canh.

Theo vị chuyên gia, nguy cơ nhiễm bệnh từ tiết canh rất lớn, nhất là trong hoàn cảnh bùng phát nhiều dịch bệnh như cúm A/H5N1, H1N1.

Thứ hai, nguy cơ nhiễm chất độc từ máu các động vật rất cao. Trong quá trình cắt tiết con vật, có cả máu đen, máu đỏ mà người làm ít phân biệt được. Ông Thịnh cho biết, máu đen là chất thải độc của con vật, hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe.

Ngoài ra, ông khẳng định, ăn tiết canh không phải là văn hóa tốt đẹp của người Việt vì xuất phát từ văn hóa của cư dân săn bắt xưa là uống máu tươi của con vật bị bắn. Vì thế không nên ăn tiết canh.

Tiết canh không mát, không chữa được bệnh

PGS.TS Thịnh cũng cho hay, hiện nhiều nơi như Mộc Châu, Sơn La, người dân ăn tiết canh hấp chín thay vì ăn tiết sống nên nguy cơ nhiễm khuẩn ít hơn songmón ăn này không có tác dụng chữa bệnh như nhiều người vẫn nói.

“Không có cơ sở để khẳng định ăn tiết canh mát, chẳng qua khi ăn tiết canh, ăn máu sống và thịt để nguội nên có cảm giác mát trong miệng. Máu động vật khi nấu chín cũng có giá trị dinh dưỡng và giúp cung cấp hàm lượng sắt cho cơ thể nhưng ăn tiết sống, bên cạnh nguy cơ nhiễm khuẩn, hàm lượng hồng cầu có trong nó không dễ tiêu hóa trong cơ thể con người, thậm chí còn gây bệnh”, ông phân tích.

Cùng quan điểm đó, bác sĩ Cao Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Thừa kế Ứng dụng Hội Đông y Hà Nội cũng khẳng định, tiết canh không có tác dụng chữa bệnh.

tim hieu ve mon tiet canh va nhung tac hai khi tiet canh 2
Tiết canh không mát, bổ như mọi người nghĩ.

“Tiết canh không có tác dụng chữa bệnh trong Đông y mà trái lại ăn vào rất nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, không phải ăn tiết canh xong mà bị bệnh ngay mà thường có một thời gian ủ bệnh. Vì thế, tốt nhất mọi nên bỏ thói quen ăn tiết canh càng sớm càng tốt”, bà nói.

Đừng để sán chui lên não vì ăn tiết canh

Bác sĩ Đặng Thị Nga, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP HCM cho biết: “Bất cứ một loài ký sinh trung nào, kể cả vi khuẩn khi xâm nhập vào cơ thể sẽ đi vào máu đầu tiên, theo đó đi vào các bộ phận khác. Trong khi đó, cấu tạo của bộ não rất lỏng lẽo nên các loại sán, ký sinh trùng sẽ dễ đi vào và thích nghi ở đó. Trong não, sán nhiều hơn giun, mặc dù giun cũng ký sinh trong máu”.

Việc người ăn tiết canh có bị nhiễm giun, sán phụ thuộc vào việc con vật đó có nhiễm sán hay không. Bà Nga chia sẻ thêm, thông thường những con vật được nuôi công nghiệp, nuôi bằng cám lại ít nhiễm sán hơn những con vật các hộ gia đình nuôi hoặc được chăn thả theo tự nhiên. Bởi vì chúng được ăn các loại cám công nghiệp được qua xử lý chứ không bị chăn thả ngoài đất cát và ăn các loại cây cỏ, hay các loại rau có chứa các ấu trùng trứng giun, sán. Tất nhiên, những loại vật nuôi công nghiệp sẽ có nguy cơ nhiễm độc các hóa chất khác.

Bác sĩ Nga cũng kể lại nhiều trường hợp tử vong vì ăn tiết canh. Bà nhớ nhất trường hợp bệnh nhân H. chủ tiệm lòng lợn tiết canh ở Thái Bình nhập viện trong tình trạng liệt toàn thân. Kết quả chụp CT cho thấy trong não bệnh nhân này chứa rất nhiều sán. Sau đó bệnh nhân này đã không qua khỏi do phát hiện quá muộn.

tim hieu ve mon tiet canh va nhung tac hai khi tiet canh 3
Việc người ăn tiết canh có bị nhiễm giun, sán phụ thuộc vào việc con vật đó có nhiễm sán hay không.

Theo vị chuyên gia, các bệnh nhiễm khuẩn từ lợn, gà bệnh không chỉ lây dễ dàng qua đường tiêu hóa như ăn phải thịt, nem chạo, tiết canh chưa được nấu chín mà còn qua đường tiếp xúc. Những người chăm sóc, giết mổ, vận chuyển thịt, máu các con vật có bệnh có thể bị lây nhiễm qua các vết thương, vết xước ở da.

Do đó, những người giết mổ, phân phối, chế biến thịt lợn, gia cầm, thủy cầm cần phải đi găng tay đảm bảo chất lượng.

“Ăn tiết canh là thói quen rất dễ gây bệnh cho người ăn. Nếu bệnh nặng có thể tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt, phải cắt bỏ chi. Tốt nhất người dân cần từ bỏ ngay thói quen này”, bác sĩ Nga cảnh báo.

Theo: Zing

Xem thêm:

Top 10 Nghiên cứu mới nhất bạn có thể bị bỏ lỡ trong năm 2017

Top 10 Nghiên cứu mới nhất bạn có thể bị bỏ lỡ trong năm 2017

Nếu bạn là người say mê về nông nghiệp và phát triển bền vững trong nông nghiệp, chắc hẳn bạn đã từng tìm hiểu về một vài nghiên cứu của các nhà khoa học dưới đây. Nhưng cũng có thể bạn đã bỏ lỡ một vài thông tin thú vị nào đó? Hãy cùng chúng tôi điểm lại 10 Nghiên cứu mới nhất về Khoa học cây trồng được công bố trong năm 2017 vừa qua.

Bangladesh công nhận giống lúa biến đổi gen đầu tiên

Bangladesh công nhận giống lúa biến đổi gen đầu tiên

Các nhà khoa học tại Bangladesh đã phát triển thành công giống lúa biến đổi gen đầu tiên nhằm giải quyết bài toàn mà nông dân nước này đang gặp phải trong quá trình thu hoạch.

Ngô biến đổi gen  – Thêm giải pháp giúp nông dân nâng cao thu nhập và cải thiện thói quen canh tác theo hướng bền vững

Ngô biến đổi gen – Thêm giải pháp giúp nông dân nâng cao thu nhập và cải thiện thói quen canh tác theo hướng bền vững

Ngày 19 tháng 12 năm 2018, CropLife Việt Nam và Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức chương trình thăm quan tổng kết mô hình trình diễn các giống ngô mới và hội thảo “Phát triển giống ngô chuyển gen nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp bền vững” tại tỉnh Thái Nguyên.