Một công trình nghiên cứu của Đại học Harvard mới được công bố trên tạp chí Nature (Mỹ) đã phát hiện những liên hệ kỳ lạ về gen giữa một số cộng đồng thổ dân sinh sống tại vùng rừng rậm Amazon, phần thuộc Brazil, với người bản địa tại Australia, New Ghinea và đảo Andaman, thuộc châu Đại Dương.
Phát hiện liên hệ về gen giữa thổ dân Amazon và Australia
Theo giáo sư di truyền học David Reich – chủ nhiệm công trình, các cộng đồng thổ dân có những trùng khớp kỳ lạ về di truyền này là những người Suruí và Kariiana, cùng nói ngôn ngữ Tupí, và những người Ge sử dụng ngôn ngữ Xavante.
Ông khẳng định đặc điểm di truyền tổ tiên của họ giống với những người thổ dân bản địa tại các đảo thuộc châu Đại Dương hơn bất cứ nhóm sắc tộc nào khác ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên sự tương đồng này lại gần như là không đáng kể tại các cộng đồng thổ dân châu Mỹ khác.
Các nghiên cứu về gen trước đây đã cho thấy các cộng đồng thổ dân châu Mỹ đã lan tỏa từ Bắc Cực cho tới tận cực Nam của Nam Mỹ, chỉ từ một cộng đồng dân cư gốc từng di chuyển cách đây khoảng 15.000 năm qua dải đất liền nhỏ hẹp bắc qua eo biển Bering, nối liền châu Á và châu Mỹ (nhưng sau đó đã biến mất).
Năm 2012, Giáo sư Reich và các đồng nghiệp đã chứng minh rằng có một số nhóm thổ dân tại Canada mang những dấu tích ADN cho thấy có ít nhất hai làn sóng di cư từ châu Á sang châu Mỹ sau làn sóng đầu tiên nói trên.
Khi mở rộng công trình năm 2012 này, các nhà khoa học đã đi tới phát hiện mới công bố. Tuy nhiên điều bất ngờ là với những đặc điểm di truyền khác với các cộng đồng thổ dân khác tại châu Mỹ nói trên và không thể giải thích bằng sự pha trộn thời hậu Colombus, rất có thể tổ tiên của những cộng đồng thổ dân Suruí, Kariiana và Ge nói trên là một nhóm di cư khác, tới châu Mỹ ít nhất cũng sớm như nhóm người đầu tiên di cư qua eo biển Bering./.